Rèm cửa cho phòng khách khác phòng ngủ, nhà tắm khác phòng ăn. Sự khác nhau này thông thường phụ thuộc vào độ ẩm hay mục đích sử dụng của không gian đó.
Phòng ngủ cần rèm ít bụi; phòng khách thì cần những loại vải sang trọng, đẹp và hợp với đồ nội thất.
Thông thường, các không gian liên thông nhau nên có cùng một kiểu thiết kế rèm, chất liệu có thể khác nhau một chút nhưng phải cùng tông màu hay hoa văn. Kết cấu một bộ rèm gồm hộp gỗ giấu thanh treo, rèm lớp chính và lớp phụ. Nhưng với các không gian hiện đại, hộp gỗ được thay thế bằng cách giấu thanh treo vào trong trần thạch cao. Cách này làm cho bộ rèm gọn và dễ làm vệ sinh hơn. Với những khung cửa lớn, hệ thống rèm dày, sẽ được thiết kế cả một hệ thống mở và kéo rèm tự động bằng ròng rọc âm tường để tạo thuận lợi khi sử dụng.
Trên thị trường có nhiều chất liệu làm rèm cửa. Thông dụng nhất vẫn là bố, satin, silk, katê, gấm, đũi, voan. Mỗi loại thích hợp với một kiểu may khác nhau như rèm vén, rèm cuốn, rèm lá, rèm xếp li. Nhưng rèm vải nội thất thông dụng nhất là rèm xếp li vì chúng dễ sử dụng, ít tốn vải. Rèm cửa thường bao gồm một lớp rèm chính, dày và ít bị xơ vải khi giặt. Kèm theo là một lớp rèm bằng voan hay lụa mỏng để có thể sử dụng khi bạn muốn có nắng vào nhà nhưng dịu hơn.
Rèm cửa đẹp là rèm cửa vừa có tác dụng trang trí, vừa có thể ngăn bụi, cũng như che nắng tốt. Do đó, các chất liệu như gấm, lụa, voan thích hợp cho phòng khách. Tùy theo phong cách nhà cổ điển hay hiện đại mà bạn chọn hoa văn hay rèm vải trơn, ánh kim cho phù hợp